Thứ Năm, 16 tháng 7, 2015

THÔNG CÁO VỀ VIỆC TÔN KÍNH ÔNG BÀ TỔ TIÊN CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM

Written By Thanhcao's Blog on Thứ Năm, 16 tháng 7, 2015 | 17:57

Vt: Các bạn trong lớp giáo lý dự tòng thắc mắc về việc tôn kính ông bà tổ tiên tại Việt Nam. Thắc mắc tại sao lại bị cấm và khi nào thì được tháo cởi. Xin thưa, đó chỉ là hiểu lầm về ngôn ngữ và hiểu lầm các nghi thức dân sự thành các nghi lễ tôn giáo nên mới thế. Nay xin đăng bài này của linh mục Antôn Nguyễn Trường Thăng, có thay đổi thứ tự chút đỉnh, để chúng ta cùng hiểu rõ. Nếu ai muốn hiểu rõ ngọn nguồn hơn xin đọc tới tận cuối bài.

Tưởng cũng nên nói thêm: ai không kính nhớ tổ tiên thì chẳng thể tôn thờ Thiên Chúa. Tổ tiên gần gũi với ta mà ta còn quên thì sao có thể nhớ tới Cội Nguồn của mọi cội nguồn là chính Thiên Chúa. Càng tôn thờ Thiên Chúa, chúng ta càng cần phải biết kình nhớ tổ tiên, hiếu đễ với người còn sống cũng như cầu nguyện cho người đã ra đi trước chúng ta.
Bàn thờ tổ tiên trong gia đình Công Giáo - hình internet

---------------------------------------------

THÔNG CÁO I CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM VỀ VIỆC TÔN KÍNH ÔNG BÀ TỔ TIÊN VÀ CÁC BẬC ANH HÙNG LIỆT SỸ.

(Giám mục Miền Nam họp hội nghị tại Đà Lạt trong những ngày 13 và 14-6-1965 đã cho công bố thông cáo này)

“Ngày 20-10-1964, Toà Thánh, qua Bộ Truyền giáo, đã chấp thuận đề nghị của các Giám mục Việt Nam xin áp dụng Huấn thị Plane compertum est, về việc tôn kính tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ cho giáo dân Việt Nam. Để hiểu rõ tinh thần Giáo Hội trong việc chấp thuận này, và để có những chỉ thị hướng dẫn trong việc áp dụng, Hội đồng Giám mục muốn nêu lên mấy điểm sau đây:

I. Giáo hội Công giáo đối với nền văn hoá và truyền thống các dân tộc

1. Giáo Hội Chúa Kitô bao giờ cũng tha thiết thực hiện mệnh lệnh Đấng Sáng Lập, để hiện diện khắp nơi và tuyên giảng Phúc Âm cho mọi người. Cố gắng đầu tiên của Giáo Hội là giúp sao cho con người được nên hình ảnh đích thật của Thiên Chúa và được trung thực với sứ mệnh Kitô hữu của mình, để đạt cứu cánh sau hết là hạnh phúc đời đời. Công trình đó được thực hiện trong nội tâm của mỗi cá nhân, nhưng nó có âm vang đến toàn diện cuộc đời và trong mọi lĩnh vực sinh hoạt của con người.

2. Mặt khác, từ nguyên thủy cho đến ngày nay, Giáo hội Công giáo vẫn tuân theo tiêu chuẩn Phúc Âm. Theo đó, Giáo Hội không hủy bỏ hay dập tắt những giá trị thiện hảo, liêm chính, chân thành của các dân tộc. Có lẽ cũng vì bản tính nhân loại, dù còn mang dấu vết sự sa ngã của tổ tông, song vẫn giữ trong nội tâm một căn bản tự nhiên mà ánh sáng và ân sủng Thiên Chúa có thể soi chiếu, dinh dưỡng và nâng lên tới một mức độ đức hạnh, một nếp sống siêu nhiên đích thật. Cũng vì vậy, Giáo Hội không bao giờ miệt thị, khinh chê tư tưởng cũng như nghệ thuật hoặc văn hóa của người không Công giáo. Trái lại, Giáo Hội đã từng góp phần thanh luyện hoặc bổ túc để đi đến chỗ hoàn hảo. Trải qua các thế kỷ, Giáo Hội đã thánh hóa những phong tục cũng như những truyền thống chân chính của các dân tộc. Giáo Hội cũng đã nhiều lần đem nghi lễ của miền này xứ nọ sáp nhập vào nền phụng vụ của mình, sau khi đã tu chỉnh cả tinh thần và hình thức, để ghi nhớ Mầu Nhiệm hoặc để tôn vinh các bậc thánh nhân hay các vị tử vì đạo.

3. Đối với các tôn giáo khác, Giáo hội Công giáo cũng chủ trương một lập trường rõ rệt. Dĩ nhiên, Giáo Hội không thể tham dự vào các nghi lễ của các tôn giáo khác, hoặc coi tôn giáo nào cũng như tôn giáo nào, và lãnh đạm để mặc ai muốn hay không muốn tìm xem Thiên Chúa có mạc khải một Đạo không sai lầm, trong đó Thiên Chúa được nhận biết, kính mến và phụng thờ. Tuy nhiên, Giáo Hội không từ chối công nhận một cách kính cẩn những giá trị tinh thần và luân lý của các tôn giáo khác. Giáo Hội không phủ nhận điều gì vốn là chân lý và thánh thiện của bất cứ tôn giáo nào. Giáo Hội luôn luôn rao truyền Đức Kitô “là Đường đi, là Chân Lý và là Nguồn Sống” và, trong Đức Kitô, Thiên Chúa làm hòa với muôn vật. Tuy nhiên, Giáo Hội thành tâm và lưu ý cứu xét những hành động và sinh hoạt, những luật pháp và lý thuyết của các tôn giáo khác, tuy có sai biệt với những điểm Giáo Hội đề ra, song vẫn mang lại một tia sáng nào đó của chính chân lý hằng soi sáng mọi người. Vì thế, Giáo Hội khuyên giục con cái mình tuy vẫn phải giữ đức tin Công giáo toàn vẹn, nhưng phải làm thế nào để nắm giữ và phát triển những của cải thiêng liêng, luân lý và những giá trị xã hội, văn hóa , gặp được trong các tôn giáo khác nhờ những buổi hội thảo, sự học hỏi và sự cộng tác với các tín đồ của các tôn giáo này.

Chính lập trường đó của Giáo Hội được đúc kết trong tư tưởng của các Đức Giáo hoàng và trong Công đồng Vatican II, đã giải thích lý do quyết định của Tòa Thánh, khi cho áp dụng Huấn thị Plane compertum est tại Việt Nam ngày nay.

Và cũng chiếu theo tinh thần đó, các giám mục họp hội nghị tại Đà Lạt trong những ngày 13 và 14-6-1965 đã cho công bố thông cáo này.

II. Thể thức áp dụng Huấn thị Plane Compertum est

1. Nhiều hành vi, cử chỉ xưa kia tại Việt Nam, có tính cách tôn giáo, nhưng nay vì sự tiếp xúc bên ngoài và vì tâm tình, tập quán đã thay đổi nhiều, nên chỉ còn là những phương cách biểu lộ lòng hiếu thảo tôn kính đối với tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ. Những cử chỉ, thái độ, nghi lễ có tính cách thế tục, lịch sự và xã giao đó, Giáo hội Công giáo chẳng những không ngăn cấm mà còn mong muốn và khuyến khích cho chúng được diễn tả bằng những cử chỉ riêng biệt của mỗi nước, mỗi xứ và tùy theo trường hợp.

Vì thế, những cử chỉ, thái độ và nghi lễ tự nó hoặc do hoàn cảnh, có một ý nghĩa thế tục rõ ràng, là để tỏ tinh thần ái quốc, lòng hiếu thảo, tôn kính hoặc tưởng niệm tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ (như treo hình, ảnh, dựng tượng, nghiêng mình bái kính, trưng hoa đèn, tổ chức ngày kỵ giỗ…) thì được thi hành và tham dự cách chủ động.

2. Trái lại, vì có nhiệm vụ bảo vệ đức tin Công giáo được tinh tuyền, Giáo Hội không thể chấp nhận cho người giáo hữu có những hành vi cử chỉ, hoặc tự nó, hoặc do hoàn cảnh, có tính cách tôn giáo trái với giáo lý mình dạy.

Vì thế, các việc làm có tính cách tôn giáo không phù hợp với giáo lý Công giáo (như bất cứ nghi lễ nào biểu lộ lòng phục tùng và sự lệ thuộc của mình đối với một thụ tạo nào như là đối với Thiên Chúa), hay những việc dị đoan rõ rệt (như đốt vàng mã), hoặc cử hành ở những nơi dành riêng cho việc tế tự… thì giáo hữu không được thi hành và tham dự. Trong trường hợp bất đắc dĩ, chỉ được hiện diện một cách thụ động như đã ấn định trong Giáo luật, khoản 1.258 (Bộ Giáo luật năm 1917).

3. Đối với những việc mà rõ là thế tục hay tôn giáo, thì phải dựa theo nguyên tắc này, là nếu những hành vi đó, theo dư luận dân chúng địa phương không coi như sự tuyên xưng tín ngưỡng của một tôn giáo (ngoài Kitô giáo), mà chỉ biểu lộ tâm tình tự nhiên, thì được coi như không trái với đức tin Công giáo, nên được thi hành và tham gia. Trong trường hợp chưa hết nghi nan, thì có thể hành động theo tiếng lương tâm lúc ấy: nếu cần, thì phải giải thích chủ ý của mình một cách khéo léo, hợp cảnh, hợp thời. Sự tham dự cũng chỉ được có tính cách thụ động.

Đó là những nguyên tắc chung, giáo hữu cần phải dựa vào mà xét đoán theo lương tâm và hoàn cảnh. Trong trường hợp hồ nghi, mọi người liên hệ không được theo ý riêng mình, mà sẽ phán đoán theo chỉ thị của Tòa Thánh và bàn hỏi với các giáo sĩ thành thạo.

Yêu cầu quý cha phổ biến rộng rãi và giải thích tường tận thông cáo này không những trong các nhà thờ mỗi khi có dịp, không những cho anh em giáo hữu mà cho cả người ngoài Công giáo. Các vị phụ trách Công giáo Tiến hành cũng phải lấy thông cáo này làm đề tài học tập cho các hội đoàn trong các buổi họp và các khóa huấn luyện”.
( Sacerdos Linh Mục Nguyệt san,

số 43, tháng 7-1965, trang 489-492) ( Bài nầy lấy từ mạng Internet)

Thông cáo 2 của các Đức Giám Mục về
LỄ NGHI TÔN KÍNH ÔNG BÀ TỔ TIÊN

Chúng tôi, các Giám Mục chủ tọa Khoá Hội thảo VII về Truyền Bá Phúc Âm toàn quốc, tại Nha Trang từ ngày 12 – 14 tháng 11 năm 1974, đồng chấp thuận cho phổ biến và thi hành trong toàn quốc, những quyết nghị của Ùy Ban Giám Mục về Truyền Bá Phúc Âm ngày 19 tháng 4 năm 1972, chiều theo Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ngày 14/6/1965, về các lễ nghi tôn kính Ông Bà Tổ Tiên như sau:
Để đồng bào lương dân dễ dàng chấp nhận Tin Mừng, hội nghị nhận định: “Những cử chỉ, thái độ, lễ nghi (sau đây) có tính cách thế tục, lịch sử, xã giao, để tỏ lòng hiếu thảo, tôn kính và tưởng niệm các Tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ, nên được thi hành và tham dự cách chủ động” (Thông cáo HĐGMVN, 14-06-1965).
1. Bàn thờ Gia Tiên để kính nhớ Ông Bà Tổ Tiên được đặt dưới bàn thờ Chúa trong gia đình, miễn là trên bàn thờ không bày biện điều gì mê tín dị đoan, như Hồn-bạch…
2. Việc đốt nhang hương, đèn nến, trên bàn thờ gia tiên và vái lạy trước bàn thờ, giường thờ Tổ Tiên, là những cử chỉ thái độ hiếu thảo tôn kính, được phép làm.
3. Ngày giỗ cũng là ngày “Kỵ nhật”, được “cúng giỗ” trong gia đình theo phong tục địa phương, miễn là loại bỏ những gì là dị đoan mê tín, như đốt vàng mã…, và giảm thiểu, canh cải những lễ vật để biểu dương đúng ý nghĩa thành kính biết ơn Ông Bà, như dâng hoa trái, hương đèn.
4. Trong hôn lễ, dâu rể được làm “Lễ Tổ, Lễ Gia Tiên” trước bàn thờ, giường thờ Tổ Tiên, vì đó là nghi lễ tỏ lòng biết ơn, hiếu kính trình diện với Ông Bà.
5. Trong tang lễ, được vái lạy trước thi hài người quá cố, đốt hương vái theo phong tục địa phương để tỏ lòng cung kính người đã khuất, cũng như Giáo Hội cho đốt nến, xông hương, nghiêng mình trước thi hài người quá cố.
6. Được tham dự nghi lễ tôn kính vị Thành Hoàng, quen gọi là “Phúc Thần” tại đình làng, để tỏ lòng cung kính biết ơn những vị mà theo lịch sử đã có công với dân tộc, hoặc là ân nhân của dân làng, chứ không phải vì mê tín như đối với các “yêu thần, tà thần”.
Trong trường hợp thì hành các việc trên đây sợ có sự hiểu lầm, nên khéo léo giải thích qua những lời phân ưu, khích lệ, thông cảm… Đối với giáo dân, cần phải giải thích cho hiểu việc tôn kính Tổ Tiên và các vị anh hùng liệt sĩ, theo phong tục địa phương, là một nghĩa vụ hiếu thảo của đạo làm con cháu, chứ không phải là những việc tôn kính liên quan đến tín ngưỡng, vì chính Chúa cũng truyền “Phải thảo kính cha mẹ”, đó là giới răn sau việc thờ phượng Thiên Chúa.
Tại Nha Trang, ngày 14 tháng 11 năm 1974

Kí tên:


– Philiphê Nguyễn-Kim-Điền:    Tổng Giám Mục Huế

– Giuse Trần-Văn-Thiện:                       Giám Mục Mỹ-Tho

– Giacôbê Nguyễn-Văn-Mầu:                 Giám Mục Vĩnh-Long

– Giacôbê Nguyễn-Ngọc-Quang:            Giám Mục Cần-Thơ

– Phanxicô Xaviê Nguyễn-Văn-Thuận:  Giám Mục Nha-Trang

– Phêrô Nguyễn-Huy-Mai:                     Giám Mục Ban-Mê-Thuột

– Phaolô Huỳnh-Đông-Các:                    Giám Mục Quy-Nhơn


để hiểu thêm LỊCH SỬ NHỮNG MÂU THUẪN VÀ HIỂU LẦM nên đọc phần sau đây nữa:

TÌM HIỂU QUA VẤN ĐỀ NGHI LỄ TRUNG HOA VÀ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO THẾ KỶ 17, 18. BÀI CỦA LM ANTÔN NGUYỄN TRƯỜNG THĂNG trong antontruongthang.com MỤC :LỊCH SỬ CÔNG GIÁO VIỆT NAM.
VẤN ĐỀ NGHI LỄ TRUNG HOA
VÀ GIÁO HỘI VN THẾ KỶ 18.

 Một sự kiện nổi cộm tại các Giáo Hội Á Châu kéo dài nhiều thế kỷ là cuộc tranh luận về nghi lễ Trung Hoa. Nằm trong quỷ đạo tư tưởng Trung Hoa, Giáo hội Việt Nam cũng phải gánh chịu những hệ luỵ trên.
Lai lịch vấn đề.
Các giáo sĩ Dòng Tên khi đến Trung Quốc và VN đã gặp phải những phong tục, tập quán , những lễ nghi thuộc nhiều tôn giáo khác nhau . Họ thường có thiện cảm với Khổng giáo và nhận xét thiên lệch về các tôn giáo khác.  Về việc cúng bái vong linh người chết, việc tế trời, tế thần, tế bài vị tổ tiên…họ có những ý kiến khác nhau: nghiêm cấm hoặc thích nghi. Vì Ki tô giáo mới hội nhập nên chưa có những từ chính xác để chỉ về Chúa, về đạo nên buộc họ phải chọn lựa những từ tương đương trong ngôn ngữ địa phương để giáo dân có thể hiểu được. Ở Trung quốc, cha Mateo Ricci cho rằng trong việc phụng thờ tôn kính tổ tiên nếu gạn đục khơi trong sẽ thấy rõ có nhiều điều không phải dị đoan mê tín. Ricci không đồng ý ‘’Trung hoa hoá’’ những danh từ thần học Âu châu, khó hiểu, vô nghĩa đối với lỗ tai Trung Quốc, nên tìm những từ có sẵn trong từ vựïng Trung Hoa tương tự.
Năm 1631, Cha dòng Đa Minh Gioan de Moralès và cha Phan Sinh Antonio a Santa Maria đến Amoy. Các linh mục nầy áp dụng phương pháp mới , khác hẳn với những điều mà Dòng tên đã thực hiện theo đường hướng Ricci. Do vậy khi các vị mới đến chứng kiến lễ nghi tôn kính tổ tiên tại Trung Quốc, các vị bị ‘’ sốc’’ngay. Trước hết là do sự tham gia tích cực của giáo dân, hai nữa, các ngài cho là những người nầy phán đoán sai lầm. Moralès  yêu cầu Toà giám mục Macau lên tiếng. Thấy không xong, Moralès về thẳng Rôma tường trình. Bộ Truyền giáo qua một bản văn đã được Đức Thánh Cha  Innocent 10 phê duyệt lên án nghi lễ Trung hoa ngày 12-9-1645 theo như Moralès trình bày. Cuộc tranh luận khởi sự và kéo dài gần một thế kỷ, không chỉ trong phạm vi Trung Hoa mà còn lan rộng khắp nơi, trở thành một trong vấn đề quan trọng của thế kỷ 17, 18.
Để phản công, các giáo sĩ Dòng Tên đã nhờ cha Martini ghi chép tất cả và lên đường về Roma trình bày. Ngày 23-3-1656, Bộ Đức Tin ( Saint-Office)  công bố sắc lệnh đã được Đức Alexandre 7 phê chuẩn ‘’ cho phép người Trung Hoa cử hành những nghi thức thuần dân sự và chính trị và ’’ nhắc nhở tránh xa dị đoan. ‘’
Hai văn kiện trái nghịch nhau. Bên cho phép, bên lên án. Cha Đa Minh Jean Polanco lại đệ lên tường trình mới. Lần nầy Bộ Đức tin, được Đức Thánh Cha Clément 9 phê chuẩn xác định ngày 20-11-1669 rằng cả hai điều hiệu lực xét theo từng vấn đề, từng hoàn cảnh.’’ Trên bình diện thần học : nghi lễ thờ ngẫu tượng thì cấm ngặt, nếu là nghi lễ dân sự thì cho phép. Nhưng vẫân còn nhiều điều mập mờ, chưa rõ. Lại tiếp tục tranh cải.
Năm 1667, 23 vị gồm 19 SJ, 3 OP, 1 OFM gặp nhau và đồng ý chung những công việc mục vụ về các nghi thức Trung hoa, theo chỉ thị Rôma. Cha Navarette, Bề trên Dòng Đa Minh tại Trung Quốc miển cưởng ký văn bản vì Bề Trên Giám tỉnh yêu cầu. Rời Quảng Đông , cha về Macau, rồi đi Âu Châu. Khi ở Madrid, ngài viết hai tác phẩm xuất bản năm 1676, 1679 bàn về phương pháp các cha Dòng Tên tại Trung Quốc. Từ nội bộ các giáo sĩ thừa sai, cuộc tranh cải lan ra phạm vi quảng đại quần chúng.
Năm 1674, Navarette đệ trình Bộ Thánh vụ một loạt câu hỏi về nghi lễ Trung Hoa. Tuy Toà Thánh không ra chỉ thị nào nữa, nhưng sau đó, khi Đức cha Maigrot can thiệp vào vụ nầy thì hậu quả trở nên nghiêm trọng. Ngày 26 -3-1693, Đại diện tông toà Phước Kiến , ĐC Maigrot gởi thơ mục vụ về vấn đề nghi lễ Trung Quốc, cấm giáo dân tham dự nghi lễ kính Đức Khổng Tử, những người chết, ngoài ra con loại bỏ những từ dùng để chỉ Chúa đã được dùng trước đây. Mục đích của ĐC Maigrot là buộc Toà Thánh xét lại. Ngài còn gởi cha M. Charmot , MEP, đi Rôma để hổ trợ cho ý đồ trên. Một Hội đồng Hồng Y họp nhau thảo luận, hoàn tất công việc năm 1699. Đức Thánh Cha lại yêu cầu bốn vị khác đánh giá và cho ý kiến.
Cha Charmot trao công trình của các Hồng Y cho Đức Tổng giám mục Paris, de Noailles, yêu cầu Đại học Sorbonne  lên án,  để đối trọng với phán quyết Rôma, vì sợï ủng hộ lập trường Dòng Tên.
Các tiến sĩ ở Sorbonne phân tích hai tác phẩm của Dòng Tên ở Trung Quốc cha Louis Lecomte (1696) và Le Gobien (1698) mới xuất bản .  Các tác phẩm rất  thành công ở Pháp và cả bên Mỹ Châu. Họ rút ra năm mệnh đề chính yếu. Sau khi thảo luận năm mệnh đề trên, trường Sorbonne lên án cả năm ngày 18-10-1700.
Chẳng hạn nói rằng dân Trung Hoa từ hai ngàn năm đã biết Chân Chúa và kính tôn Người do đó họ đáng nêu gương sáng giáo huấn tín hữu. Đại Học Sorbonne cho là: Lầm lạc! Gương mù! Nhục mạ Hội Thánh !
khang hy
 HOÀNG ĐẾ KHANG HY.
Bên Trung Quốc , Hoàng đế Khang Hy người từ năm 1692 đã cho thần dân TQ tự do giữ đạo đã gởi một phái đoàn về Rôma để giải thích rằng các nghi lễ trên hoàn toàn có tính cách dân sự. Hoàng Đế còn phổ biến sắc lệnh cho toàn dân trong Đế Quốc. Mặc dầu thế, Rôma không hậu thuẩn cho các giáo sĩ Dòng Tên.
Ngày 20-11-1704, ĐTC Clément 10 phê chuẩn quyết định cuối cùng của Bộ Thánh vụ, theo lập trường của Đức Cha Maigrot. Từ Thiên Chủ được dùng để gọi Chúa, các từ Thiên hoặc Thượng Đế bị cấm ngặt. Không chấp thuận những việc cúng tế trong các đền, các phòng, kính Đức Khổng Tử và tiên tổ. Cấm dùng bài vị, các nghi lễ tang chế trước các bài vị , trước mồ mã, trong các đám tang.
ĐTC Clément 9 công bố sắc lệnh vào 20-11-1704 và gởi một Đăïc sứ sang Trung Quốc để bày tỏ ý định của Toà Thánh.
Đặc sứ là ĐC Thomas Maillard de Tournon, rời Âu châu năm 1703, đến Ấn Độ, rồi Phi Luật Tân. Sau khi dừng chân ở Macau, đi Quảng Đông ngày 6-4-1705.
Sang Trung Quốc được gặp Hoàng Đế Khang Hy. Hoàng Đế đã hết sức giải thích: đạo tốt mà thực hành xấu vì vi phạm tục lệ các nước. Hoàng Đế cho rằng có lẻ ĐTC được thông tin bởi những ngưởi quá dốt nát, không thông hiểu về ngôn ngữ, phong tục, kinh sách Trung Quốc. Để thử tài, Đức Cha Maigrot được mời đến, Hoàng Đế đã làm bẻ mặt ngài trước triều thần khi ngài không cắt nghĩa nỗi những chữ đại tự treo trên tường. Đức Cha Maigrot và tuỳ tùng Đức Khâm sai bị trục xuất. Về Nam Kinh, Đức Khâm sai cứ công bố lệnh Toà thánh, bị bắt nhốt ‘’ nhờ người Bồ giữ hộ’’, chờ cho phái đoàn hai cha đi Rôma về hãy hay. Nhưng hai cha kia đã chết chìm trên đại dương. Cuối cùng  Đứùc Khâm sai sau khi được Toà thánh khen thưởng chức Hồng y, cũng chết tại Macau 1710. Bài điếu văn ca tụng ngài ‘’ nhiệt thành trong việc thiết lập đạo công giáo, quảng đại bênh vực những quyền lợi và quyền lực Toà Thánh ‘’
 Lập trường cứng rắn của Đức Clément 11.
Sau khi Đức Cha Maigrot gặp Hoàng đế về tường thuật lại và nói lập trường của mình, một Đức giám mục ở Quảng Tây lưu ý Toà Thánh là nếu quá cứng rắn sẽ làm nguy hại cho Giáo Hội Trung Quốc, nhưng ĐTC cương quyết giữ lập trường trước đó vào  năm 1704 và lệnh của Đức Đặc sứ De Tournon.
Với hiến chế Ex illa die.. ‘’Lời răn dạy phải giữ toàn bộ, tuyệt đối, nguyên vẹn và không thể vi phạm..’’
Các thừa sai cúi đầu chấp nhận. Giáo dân hoang mang. Nhà cầm quyền khó chịu vì cái tôn giáo mới xâm phạm đến tập tục và làm nhục quốc thể đã hạ lệnh cấm đạo. Đến đời con là Ung Chính ( 1732-36) càng  ác liệt hơn.
Trước tình thế nguy ngập, một số người yêu cầu cần một sự can thiệp mới của Rôma.
Đặc sứ Mezzabarba.
Một Đặc sứ mới ĐC Mezzabarba được gởi đến Bắc Kinh. Rời Lisboã, nước Bồ ngày 25-3-1720 và đến Quảng Đông vào ngày 12 tháng 10. Ngài yêu cầu được yết kiến Hoàng Đế. Khang Hy yêu cầu cho biết mục đích. Vị Đặc sứ không che đậy , nói thẳng là đến để công bố những chỉ thị cuả ĐTC. Khang Hy nỗi cơn thịnh nộ, định tống xuất vị Đặc sứ và tất cả các giáo sĩ. Để tránh tai hoạ nầy, Đức Cha bảo sẽ có những phương pháp xoa dịu vấn đề. Khang Hy đồng ý gặp.
Sau khi về đến Macau, 4-11-1721, ngài gữi thư mục vụ cho các giáo sĩ ở Trung Quốc. Ngài không rút lại điều nào trong tông thư Ex illa die. Trong thực hành , cho phép 8 khoản :
+Đặt bài vị có giải thích phân trần.
+ Thi hành lễ nghi với người quá cố theo phong tục.
+ Cúng tế Đức Khổng Tử.
+ Phúng điếu hương nến cho nhà hiếu v.v.
Giải pháp cũng chẳng đến đâu vì hai phe vẫn gầm ghè, bên cởi mở, bên khép kín, chỗ cho phép nơi không cho…
Năm 1721, ĐTC Clément 9 về chầu Chúa. Năm 1722, Khang Hy cũng về với tiên tổ.  Tình hình rối ben, có nơi Đấùng bản quyền cho phép, có nơi cấm ngặt. ĐTC Clément 12 yêu cầu nghiên cứu lại hồ sơ kỹ càng. Và sự gì phải đến đã đến. Ngày 11-7-1742, qua chỉ dụ Ex quo singulari, Đức Bênêđíctô 14 đã đăït một dấu chấm hết cho vấn đề trên. Rút lại các quyết định của Đặc sứ Mezzabarba, trở lại hiến chương 1715. Lệnh dứt phép thông công cho những ai bất phục tùng và yêu cầu thề lại.
Copy of 250px-Emperor_Yongzheng
HOÀNG ĐẾ UNG CHÍNH.
Cùng với quyết định đó cũng dứt điểm nghi lễ Ân Độ. Hoàng Đế TQ ra lệnh cấm đạo. Đời con Khang Hy là Ung Chính (1732-36) lại càng ác liệt hơn. Từ 300.000, giáo dân nay chỉ còn 30.000.
Riêng tại các quốc gia ảnh hưởng Trung Hoa, nhà cầm quyền cũng hùa theo. Tin Mừng đến Á Đông đang thuận lợi phải khựng lại một sớm một chiều.

Vấn đề nghi lễ  Trung Hoa tại Việt Nam.
Nằm trong quỷ đạo Trung Hoa, các giáo sĩ truyền giáo tại VN cũng chia ra hai khối, rình rập sơ hở để tố nhau. Xem lại mấy bức thư và giấy tờ còn lưu lại cho thấy những điều ấy.
Xem chứng từ  1770 của ba giáo dân Ngọc Đường tố cụ Văn, thuộc quyền Đức cụ Bê coi sóc, về một đám tang, mà theo họ có những điều mê tín .
Tờ thề do linh mục Tải, sacêdote Tunkin..’’ về những sự dối trá về thói lễ nghĩa nước Đại Minh.. chẳng chước mốc nào cho khỏi vâng.. thì tôi cam chịu phạt…tay tôi đá đến sách Evang, tôi hứa khấn và thề sẽ cứ như vậy. ‘’ 28-2-1741.
Đơn kiện của các ‘’ mụ và chị ả’’Dòng Mến Thánh Giá yêu cầu ‘’ cụ Bảo Lộc Dòng Đức Chúa Giêsu rao mà phạt vạ ông cụ Chính Tri cùng đấng Vítvồ Lui…lấy sự ấy làm quái gở và trái lẻ trái phép’’.Tất cả đã làm dấu Curút ( đã làm dấu thập,  đã ký.. vì không biết chữ)  Kẻ Vân 5-1760.  ( Xem Lịch sử Giáo phận Hà Nội trang  131 – 137.)
Tại Huế : giữa cha Sanna , Dòng Tên và các thừa sai Paris. ( Xem lịch sử Giáo phận Huế tr,110 tt.)
Một vài sự kiện nói lên những khủng hoảng nội bộ ở VN về nghi lễ TQ và các quyết định của Toà Thánh ảnh hưởng trực tiếp ở VN.
Các luận điểm của các vua chúa Việt Nam dùng để lý giải việc bắt đạo cũng không xa mấy với tư tưởng của các Hoàng đế Trung quốc mà họ trực tiếp chịu ảnh hưởng.
GIA LONG 1
VUA GIA LONG.
Sau nầy, vào cuối thế kỷ 18, Đức Cha Bá Đa Lộc và vua Gia Long cũng gặp những tình huống khó xử như vậy. Hoàng tử Cảnh đi Pháp về không chịu lạy bài vị các tiên quân ở Thế Miếu. Gia Long rất buồn là không lẻ nào đạo lại dạy bỏ ông bỏ bà như thế. Có thể vì đó mà sau nầy Gia Long chọn Hoàng tử Đảm để nối ngôi thay vì dòng dỏi Hoàng tử Cảnh. Hậu quảû ra sao? Vua Minh Mạng đã đối xử với công giáo thế nào, ai cũng biết rõ!!!

Đầu thế kỷ 20 : Xét lại nghi lễ Trung Hoa.

Nhà cầm quyền Mãn châu Quốc ban hành lệnh cho tất cả học sinh phải cúi mình trước bài vị Đức Khổng Tử. Nhà cầm quyền công khai giải thích đây là những nghi lễ dân sự. Bộ Truyền giáo cho phép ngày 28-5-1936.
Ở Nhật Bản cho phép tôn kính Hoàng Đế và các anh hùng dân tộc.
Đức Thánh cha Piô 12 vào ngày 8-12- 1939 cho phép giáo dân Trung Quốc và các nước ảnh hưởng Trung Quốc.
Ở Việt Nam phải đợi một thời gian dài hơn. Năm 1958, hàng giám mục VN làm đơn thỉnh nguyện. Tháng 10 -1964, Toà Thánh cho phép như Trung Hoa năm 1939. Sau Công đồng Vatican 2, khi Hiến chế về Phụng vụ đã được phổ biến khắp nơi thì trong một thông cáo ký tại Đà Lạt ngày 14-6-1965, Hội Đồng Giám mục VN ( miền Nam) cho phép:
‘’…Nhiều hành vi cử chỉ xưa, tại VN, có tính cách tôn giáo, nhưng nay vì sự tiếp xúc với bên ngoài và vì tâm tình tập quán đã thay đỗi nhiều, nên chỉ còn là những phương cách biểu lộ lòng hiếu thảo tôn kính với tổ tiên và  các anh hùng liệt sĩ.
Những cử chỉ, thái độ nghi lễ có tính cách thế tục, lịch sự và xã giao đó, Giáo Hội công giáo chẳng những không ngăn cấm mà còn mong muốn và khuyến khích cho nó được diễn tả bằng các cử chỉ riêng biệt cho mỗi nước, mỗi xứ và tuỳ theo trường hợp..( như treo ảnh, dựng hình, nghiêng mình bái kính, trưng hoa đèn, tỗ chức giỗ, kỵ..) ..thì được tham gia cách chủ động’’.
Tuy có muộn, nhưng bản thông cáo đã giải toả những ẩn ức kéo dài qua nhiều thế hệ: theo đạo là phải khước từ những tập tục tốt đẹp của dân tộc và trở nên xa lạ với bà con dòng tộc. ‘’ Đi đạo là bỏ ông bỏ bà’’. Loại bỏ những gì là mê tín dị đoan thì những nghi lễ cổ truyền dân tộc vốn mang nhiều biểu tượng thờ phượng tốt đẹp sẽ giúp người VN công giáo được gần gũi hơn với đồng bào và quê hương mình. Đây làø công trình hội nhập văn hoá mà Giáo hội đang khuyến khích, là lúc gạn đục khơi trong, một giai đoạn thuận lợi  để thực hiện  sứ mệnh loan báo Tin Mừng tại Á Châu như Tông thư Giáo hội tại Á Châu của Đức thánh Cha Gioan Phaolô 2 đã mời gọi.
  
Tham khảo và bài đọc thêm.

+ HỒNG NHUỆ NGUYỄN KHẮC XUYÊN: Lịch sử Địa phận Hà Nội, tư liệu, cuốn 1, Paris 1994, trang 131 tt.
+STAN.NGUYỄN VĂN NGỌC, GIUSE NGUYỄN VĂN HỘI : Lich sử Giáo phận Huế, tài liệu lưu hành nội bộ, Huế 1993, tr.108 tt.
+ Tham luận tại cuộc toạ đàm về Đạo hiếu do Toà Tổng Giám mục Huế tổ chức năm 1999.
+ Giáo huấn của HĐGMVN về việc tôn kính ông bà tổ tiên năm 1965.
+ Thông báo về khoá Hội thảo của 7 Giám mục Việt Nam họp tại Nha Trang năm 1974.
+ Tông khuyến thư  Giáo Hội tại Á Châu ( Ecclesia in Asia) của ĐTC Gioan Phaolô 2, chương 4.


MƯỜI GIỚI RĂN THIÊN CHÚA: THỨ BỐN  THẢO KÍNH CHA MẸ.
MẸ MARIA VÀ THÂN PHỤ MẪU THÁNH GIOAKIM VÀ ANNA.

Sau mấy trăm năm tranh cải về Nghi thức Trung Hoa kể từ Tông Huấn “Ex Illa Die” của Đức GH Clementê XI, ngày 20-11-1704 và ngày 11-1-1742, Tông huấn “Ex Quo Singulari của Đức Benedictô XIV, cấm ngặt lễ nghi đối với Tổ Tiên. Ngày 8-12-1939, Thánh Bộ Truyền giáo, đời Đức Piô XII, mới tuyên bố không những được phép, mà còn phải được khuyến khích thi hành Lễ Nghi tôn kính Tổ tiên như Lễ Gia Tiên” (Huấn Thi Plane Compertum Est) cho các nước Nhật, Mãn Châu, Trung Hoa. Ngày 20-10-1964, Tòa Thánh Vatican đã chấp nhận bản đệ trình của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam( Miền Nam ) về Lễ nghi Tôn kính Tổ Tiên theo tinh thần Huấn Dụ “Plane Compertum Est”. Sau đó, ngày 14-6-1965, Hội Đồng GMVN đã ban hành Thông Cáo xác định những cử chỉ, thái độ và Lễ nghi có tính cách thế tục, lịch sự xã giao, để tỏ lòng hiếu kính, tôn kính và tưởng niệm các Tổ tiên và anh hùng liệt sĩ, được thi hành và tham dự cách chủ động. Sau đây là hai văn bản quan trọng. Một chúng tôi lấy từ Internet, Thông cáo 1965. Thông cáo 1974 lấy từ Thông tin Giáo phận Đà Nẵng số 41 5-12-1974.


HỘI AN, ngày cầu cho Tín hữu đã qua đời 2-11-2010.

Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng.

Nguồn: antontruongthang






Đăng nhận xét